MẤT ĐOẠN AZF LÀ GÌ?
Vô sinh do các nguyên nhân về phía nam chiếm 40% trong các nguyên nhân vô sinh, trong đó không tinh trùng (vô tinh) là một nguyên nhân thường gặp. AZF (Azoospermia factor - yếu tố không tinh trùng) là vùng gen trên nhánh dài nhiễm sắc thể Y. Nếu đột biến xảy ra trên vùng này sẽ gây vô tinh hoặc thiểu tinh (Mật độ tinh trùng < 15 triệu/ml). Đây là bất thường di truyền chiếm tỷ lệ lớn thứ 2 sau hội chứng Klinefelter trong vô sinh nam. Ở nhóm vô tinh, đột biến này chiếm 10-15%. Ở nhóm thiểu tinh, đột biến này chiếm 7-10%. Đột biến này di truyền cho nam giới ở thế hệ sau.
1. Các loại đột biến mất đoạn AZF
AZF là từ viết tắt của yếu tố gây vô tinh trùng (Azoospermia Factor), là gen nằm trên nhánh dài của nhiễm sắc thể Y ở vị trí Yq11. Với sự phát triển của sinh học phân tử cùng với việc tìm ra bản đồ gen người, chúng ta biết rằng có ít nhất mười bốn gen mã hóa protein nằm trên nhiễm sắc thể (NST) Y thuộc locus AZF. Vùng này chứa nhiều gen liên quan đến quá trình sinh tinh. Các gen này được phân bố ở 3 vùng AZF là AZFa, AZFb và AZFc. Các đột biến xóa đoạn xảy ra ở các AZF thường dẫn đến các hậu quả làm giảm hoặc không sinh tinh trùng với mức độ ảnh hưởng khác nhau phụ thuộc vào vùng AZF đột biến.
Hình 1: Phân bố của các đoạn AZF trên nhánh dài của NST Y
- Vùng AZFa nằm ở khoảng 5, nhánh dài NST Y, kích thước từ 1 đến 3Mb. Hai gen liên quan đến quá trình sinh tinh ở vùng AZFa có: USP9Y và DDX3Y. Mất hoàn toàn đoạn AZFa dẫn đến vô tinh. Mất đoạn AZFa xuất hiện với tỉ lệ cao hơn ở nam giới mắc hội chứng tế bào sertoli đơn thuần.
- Vùng AZFb nằm ở giữa khoảng 5 và 6, kích thước từ 1 đến 3 Mb. Có 5 nhóm gen như CDY1, XKRY, SMCY, EIF-1AY, RBMY1. Vùng này, chứa nhiều gen mã hóa cho các protein tham gia vào quá trình tạo tinh. Mất đoạn nhỏ AZFb thường gặp hơn AZFa và nó cũng dẫn đến vô tinh.
- Vùng AZFc nằm ở gần vùng dị nhiễm sắc, kích thước khoảng 1,4 Mb. Các bất thường ở vùng này liên quan đến nhóm gen DAZ, CDY1, PRY, và TTY2. Mất đoạn AZFc dẫn đến vô tinh hoặc thiểu tinh. Ở nam giới mất đoạn này, khoảng 70% vẫn có cơ hội tìm thấy tinh trùng bằng TESE và có thể có con bằng phương pháp ICSI.
- Mất hoàn toàn đoạn AZFa, AZFb hoặc AZFb+c thì không nên tiến hành làm TESE để tìm tinh trùng, vì cơ hội tìm được tinh trùng là rất thấp và hầu như không có.
- Mất đoạn nhỏ trên nhiễm sắc thể Y sẽ di truyền từ cha sang con trai và làm tăng nguy cơ vô sinh ở thế hệ sau.
- Vì vậy, chẩn đoán vi đột biến mất đoạn vùng AZF trên nhiễm sắc thể Y có vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị vô sinh đặc biệt nhóm bệnh nhân thiểu năng tinh trùng nặng (Mật độ tinh trùng < 5 triệu/ml) và vô tinh.
2. Mục đích của xét nghiệm mất đoạn AZF
- Xét về nguyên nhân di truyền, đột biến vi xóa đoạn vùng AZF là nguyên nhân chủ yếu thứ 2 gây vô sinh ở nam giới, sau hội chứng Klinefelter.
- Việc xác định vi đột biến ở vùng AZF góp phần xác định nguyên nhân của các trường hợp vô sinh để có giá trị định hướng cho các bác sĩ lâm sàng điều trị, tìm hướng khắc phục thích hợp cho bệnh nhân có nên chỉ định sinh thiết tinh hoàn (TESE) hay không, làm cơ sở cho tư vấn di truyền phòng ngừa, hạn chế việc truyền gen bệnh cho các thế hệ sau.
- Giảm chi phí việc điều trị nội khoa không hiệu quả, gây tốn kém cho người bệnh
3. Khi nào thì chỉ định cho bệnh nhân làm xét nghiệm tìm kiếm đột biến trên đoạn AZF?
Các trường hợp nên được chỉ định xét nghiệm AZF bao gồm:
-
Mật độ tinh trùng < 5 triệu/ml.
-
Vô tinh không do tắc nghẽn.
-
Sàng lọc AZF là rất quan trọng trước khi quyết định phẫu thuật cắt bỏ giãn tĩnh mạch thừng tinh (varicocelectomy) ở những bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch thừng tinh. Vì nếu người này có mang đột biến ở vùng AZF thì việc cắt bỏ giãn tĩnh mạch thừng tinh không cải thiện được số lượng hay chất lượng tinh trùng.
-
Anh trai hoặc em trai của bệnh nhân mất một phần AZFb, AZFa hoặc hoàn toàn AZFc.
-
Có tiền sử sảy thai liên tiếp, sinh con bị dị tật hoặc chậm phát triển nên làm các xét nghiệm AZF, không phụ thuộc vào mật độ tinh trùng.
Chống chỉ định:
-
Bất thường nhiễm sắc thể.
-
Vô tinh do tắc.
-
Hypogonadotropic hypogonadism (thiểu năng sinh dục ở nam giới do tinh hoàn ít hoặc không có hormone giới tính).