Kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng
Những báo cáo mới đây từ các nghiên cứu, kỹ thuật phôi thoát màng giúp làm tăng tỷ lệ có thai lâm sàng khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm lên 1,3 lần so với bình thường, góp phần nâng cao hy vọng thành công.
SieuAmHiemMuon

Hiện tượng phôi thoát màng

Trứng, phôi được bao bọc màng trong suốt, tên khoa học là zona pellucida/ZP. Màng trong suốt có chiều dày 13 - 15 µm, được tạo thành bởi một phức hợp glycoprotein do tế bào trứng tiết ra. Màng trong suốt đóng vai trò quan trọng trong cơ chế thụ tinh, phát triển của phôi giai đoạn tiền làm tổ và bảo vệ phôi trong quá trình di chuyển từ vòi tử cung vào buồng tử cung để làm tổ. Tuy nhiên, hiện tượng làm tổ chỉ xảy ra khi phôi thoát ra được khỏi lớp màng trong suốt. Hiện tượng này được gọi là phôi thoát màng.

Hiện tượng phôi thoát màng thường xảy ra vào ngày thứ 6 sau thụ tinh. Trong quá trình này, màng trong suốt bị phá vỡ do:

- Sự phân giải protein do các protease được tiết ra từ phôi (các nguyên bào lá nuôi) hoặc từ tử cung.

- Do giãn nở vật lý của khối phôi làm giảm độ dày của màng trong suốt.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, độ dày và đàn hồi của màng trong suốt là yếu tố cơ bản để phôi thoát màng thành công và là điều kiện tiên quyết cho phôi làm tổ.

Tuy nhiên, màng trong suốt có thể bị cứng, giảm đàn hồi do hệ quả của quá trình nuôi cấy và đông lạnh phôi. Vì vậy, việc chủ động tạo một lỗ trên màng trong suốt có thể giúp tăng tỷ lệ phôi thoát màng. Mặt khác, hỗ trợ phôi thoát màng tạo ra một điểm làm mỏng trên màng trong suốt, từ đó phôi dễ hấp thu các chất dinh dưỡng quan trọng từ môi trường. Những chất này cần cho sự phát triển của phôi và hình thành phôi nang.

Kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng

Tuy chưa có khuyến cáo áp dụng hỗ trợ phôi thoát màng cho tất cả bệnh nhân thụ tinh trong ống nghiệm, nhưng kỹ thuật này vẫn được chỉ định khá rộng rãi dành cho:

+ Bệnh nhân chuyển phôi trữ lạnh;

+ Bệnh nhân thất bại làm tổ nhiều lần mặc dù chất lượng phôi tốt;

+ Bệnh nhân có tăng FSH;

+ Bệnh nhân có màng trong suốt dày bất thường;

+ Bệnh nhân ít phôi lớn tuổi;

+ Bệnh nhân thực hiện kĩ thuật trưởng thành noãn trong ống nghiệm (IVM).

Theo Sallam và cộng sự, hỗ trợ phôi thoát màng giúp cải thiện tỷ lệ mang thai, tỷ lệ làm tổ và tỷ lệ thai tiến triển đáng kể đối với những bệnh nhân có tiên lượng xấu được điều trị bằng IVF/ICSI, đặc biệt là những người thất bại nhiều lần.

Những báo cáo mới đây từ thư viện Cochrane, kỹ thuật phôi thoát màng giúp làm tăng tỷ lệ có thai lâm sàng khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm lên 1,3 lần so với bình thường, góp phần nâng cao hy vọng thành công.

Hỗ trợ phôi thoát màng tại IVF Đại học Y Hà NộiCác phương pháp hỗ trợ phôi thoát màng

Hiện nay, trên thế giới có 4 phương pháp hỗ trợ phôi thoát màng:

- Làm mỏng màng trong suốt bằng acid Tyrode: Kỹ thuật này đòi hỏi phải xử lý rất nhanh để tránh những tiếp xúc không cần thiết giữa phôi và acid (phôi cần được rửa nhiều lần sau quá trình tiếp xúc với acid).

- Làm thủng màng trong suốt bởi cơ học: Phương pháp này tương đối thuận tiện và nhanh chóng nhưng tạo ra các lỗ có kích thước thay đổi không phải lúc nào cũng là tối ưu.

- Làm mỏng màng trong suốt bằng men protease: Phương pháp này ít được sử dụng.

- Làm mỏng màng trong suốt bằng tia laser: Đây là phương pháp đang dần được áp dụng rộng rãi ở nhiều trung tâm hỗ trợ sinh sản.

Ưu điểm: dễ thực hiện, độ chính xác cao, không ảnh hưởng tiêu cực tới phôi, đảm bảo yêu cầu về thời gian thao tác và có thể được thực hiện trong môi trường vô trùng mà không đòi hỏi một vi điều khiển bổ sung nào, hơn nữa có thể kiểm soát chính xác kích thước phần màng cần làm mỏng. Blake và cộng sự đã chứng minh, tỷ lệ thai lâm sàng cao hơn khi sử dụng laser để làm mỏng màng trong suốt tại một thời điểm mà không tạo lỗ.

Tuy nhiên, việc lựa chọn phương pháp hỗ trợ phôi thoát màng còn phụ thuộc vào điều kiện trang thiết bị và trình độ chuyên môn. Tại trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chúng tôi áp dụng hỗ trợ phôi thoát màng bằng tia laser cho tất cả các trường hợp bởi ưu điểm vượt trội của phương pháp này.

Yếu tố nguy cơ

Thực hiện hỗ trợ phôi nở có thể gây ra những biến chứng độc lập với quy trình thụ tinh trong ống nghiệm bao gồm:

- Chết phôi hay thoái hóa nhiều phôi bào gây ảnh hưởng tới sức sống của phôi.

- Tăng nguy cơ sinh đôi cùng trứng.Tổn thương nặng nề màng trong suốt dẫn đến giảm khả năng bảo vệ phôi trước các tác nhân độc tố, vi sinh vật, tế bào miễn dịch trong đường sinh dục nữ.

- Phôi bào có thể bị kẹt trong các lỗ tạo ra từ quá trình hỗ trợ phôi thoát màng hay bị mất phôi bào qua những lỗ này khi những mối liên kết tế bào còn chưa chặt chẽ.

Khắc phục: Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - IVF Đại học Y Hà Nội lựa chọn laser hồng ngoại với bước sóng 1,48 µm để làm mỏng màng trong suốt tại một vị trí mà không tạo lỗ. Kỹ thuật này giúp hạn chế thoát vị phôi bào, phân tách phôi gây sinh đôi và tiếp xúc trực tiếp phôi với môi trường nuôi cấy và môi trường tử cung mẹ khi chưa làm tổ.

ThS.BSNT Đoàn Phương Thảo